Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về nghề nghiệp trong ASEAN – Cơ chế và tiến trình thực hiện

Chủ nhật - 08/10/2017 23:14
Tóm tắt: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và chất lượng lao động có kỹ năng nghề di chuyển trong khu vực ASEAN nói riêng mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia - phái cử lao động di cư và tiếp nhận lao động di cư. ASEAN chủ trương hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ năng/năng lực giữa các nước tiến tới công nhận lẫn nhau về trình độ để thúc đẩy phát triển kỹ năng, di chuyển lao động và sinh viên. Thỏa thuận công nhận lẫn nhau được coi là những công cụ chính để di chuyển lao động. Những thỏa thuận này giúp những người hành nghề có kỹ năng hoặc kinh nghiệm phù hợp để được chứng nhận và làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, cơ chế cũng như tiến trình thực hiện các thỏa thuận này có những điểm khác biệt nhất định cần được làm rõ để tránh cách hiểu hoặc diễn ngôn có phần phiến diện.
Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về nghề nghiệp trong ASEAN – Cơ chế và tiến trình thực hiện
1. Xu hướng hội nhập về nhân lực
Các nước thành viên ASEAN có tổng dân số khoảng 630 triệu người và có nhiều điểm khác nhau đáng kể về số dân, quy mô các nền kinh tế và mức thu nhập bình quân đầu người giữa các quốc gia. Hiến chương ASEAN tuyên bố mục đích phát triển nguồn nhân lực thông qua hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo lâu dài, trong khoa học và công nghệ, để tăng cường quyền năng cho người dân ASEAN và thúc đẩy Cộng đồng ASEAN; nâng cao phúc lợi và đời sống của người dân ASEAN thông qua việc tạo điều kiện để họ tiếp cận bình đẳng các cơ hội về phát triển con người, phúc lợi và công bằng xã hội. Trong khoảng từ năm 1990 đến 2013, lượng di cư lao động nội khối ASEAN đã tăng từ 1,5 triệu lên 6,5 triệu người, với Malaixia, Xingapo và Thái Lan nổi lên như là các trung tâm di cư chính. Hầu hết các lao động di cư đều có kỹ năng mức thấp và trung bình. Nhân tố chủ yếu điều chỉnh luồng di cư là sự chênh lệch về kinh tế và nhân khẩu học giữa các nước thành viên. Một số quốc gia vốn có sự gia tăng dân số trẻ chịu sức ép thị trường lao động (TTLĐ) về tạo việc làm và có thể dẫn tới việc di cư ra nước ngoài của phụ nữ trẻ và đàn ông. Ở các nước tiếp nhận có nhu cầu lao động di cư tăng lên do già hóa dân số dẫn đến thiếu hụt lao động. Hiện tại, các chính sách Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) về quản lý di cư đang giới hạn ở những nghề có kỹ năng cao.
Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangements - MRAs) là những công cụ chính để di chuyển lao động trong khuôn khổ AEC. Những thỏa thuận này giúp những người hành nghề có kỹ năng hoặc kinh nghiệm phù hợp để được chứng nhận và làm việc tại nước ngoài. Đến nay, đã có thỏa thuận trong 8 lĩnh vực nghề: dịch vụ kỹ thuật (12/2005); dịch vụ điều dưỡng (12/2006); dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát (11/2007); hành nghề y , hành nghề nha khoa và dịch vụ kế toán (02/2009); hành nghề du lịch (11/2012). Song số việc làm trong 8 lĩnh vực này cũng chỉ chiếm một phần nhỏ (xấp xỉ 1%) trong tổng việc làm mà AEC cung cấp trên TTLĐ nên có thể mới chỉ tác động ngắn hạn trong một chừng mực nhất định. Việc di cư lao động có kỹ năng vừa và thấp có khả năng vẫn tiếp tục và thậm chí sẽ tăng (ADB & ILO 2014).
2. Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs)
2.1. MRA đối với dịch vụ tư vấn kỹ thuật (Engineering Services)
MRA đối với dịch vụ tư vấn kỹ thuật là MRA đầu tiên của các nước ASEAN được ký vào ngày 9/12/2005 tại Kuala Lumpur, Malaysia. MRA này hướng tới xây dựng một hệ thống đăng ký hành nghề kỹ sư chung ASEAN. ASEAN đã thành lập Ủy ban Điều phối kỹ sư thuật chuyên nghiệp ASEAN (ACPECC) đặt tại Jakarta (Indonesia) để điều phối việc thực hiện MRA này. Mỗi nước ASEAN cũng thành lập một Uỷ ban giám sát về dịch vụ tư vấn kỹ thuật tại nước mình để thực hiện quy trình đánh giá và đăng ký cấp phép Kỹ sư chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN. Quy trình đăng ký để được hành nghề tại một nước ASEAN khác như sau:
+ Bước 1: Kỹ sư chuyên nghiệp đủ điều kiện về trình độ và kinh nghiệm theo quy định trong MRA nộp đơn đăng ký lên Uỷ ban Giám sát về dịch vụ tư vấn kỹ thuật tại nước mình để xin cấp chứng nhận Kỹ sư chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN (ASEAN Chartered Professional Engineer – ACPE).
+ Bước 2: Uỷ ban Giám sát xem xét đơn đăng ký và lập Bản đánh giá, sau đó gửi lên ACPECC để quyết định cấp phép hay không cấp phép chứng nhận ACPE.
+ Bước 3: Kỹ sư chuyên nghiệp đã được cấp chứng nhận ACPE sẽ đủ điều kiện để đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành nghề kỹ sư ở một nước ASEAN khác  để được cấp phép là Kỹ sư chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký (RFPE) tại nước đó, nhưng phải tuân theo các quy định và pháp luật liên quan của nước đó.
+ Bước 4: Kỹ sư chuyên nghiệp có RFPE được phép hành nghề tại nước ASEAN đó nhưng phải phối hợp với các kỹ sư chuyên nghiệp của nước đó.
Hiện tại, tất cả các thành viên ASEAN đã chính thức tham gia MRA này, và đã thành lập các cơ quan thực hiện MRA tại nước của mình, cũng như hoàn thành các thủ tục để thực hiện việc cấp chứng nhận ACPE. Tại Việt Nam, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 820 và 821/QĐ-BXD ngày 6/8/2009 về việc thành lập Uỷ ban giám sát của Việt Nam và Quy chế đánh giá đối với kỹ sư chuyên nghiệp
Tính tới thời điểm tháng 07/2017 đã có 2555 kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN đã đăng bạ (ACPE); 04 KSCN Singapore đăng ký kỹ sư chuyên nghiệp nước ngoài (RFPE) tại Malaisia; 02 KSCN Philipin đăng ký RFPE với 01 tại Singapore và 01 tại Malaisia; 01 KSCN Malaisia đăng ký RFPE tại Singapore; và 01 KSCN Thái Lan đăng ký RFPE tại Malaisia.
2.2. MRA đối với Dịch vụ Kiến trúc (Architectual Services)
MRA đối với lĩnh vực Dịch vụ Kiến trúc được ký 19/11/2007 tại Singapore. MRA này hướng tới xây dựng một hệ thống đăng ký hành nghề Kiến trúc sư chung ASEAN. Theo đó, ASEAN đã thành lập Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN (AAC) quản lý việc thực hiện MRA này. Mỗi nước ASEAN cũng thành lập một Uỷ ban giám sát về dịch vụ kiến trúc tại nước mình để thực hiện quy trình đánh giá và đăng ký cấp phép Kiến trúc sư ASEAN. Quy trình đăng ký Kiến trúc sư ASEAN và đăng ký hành nghề tại một nước khác như sau:
+ Bước 1: Kiến trúc sư đủ điều kiện về trình độ và kinh nghiệm theo quy định trong MRA nộp đơn đăng ký lên Uỷ ban Giám sát về dịch vụ kiến trúc tại nước mình để xin cấp chứng nhận Kiến trúc sư ASEAN (AA).
+ Bước 2: Uỷ ban Giám sát xem xét đơn đăng ký và lập Bản đánh giá, sau đó gửi lên Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN để quyết định cấp phép hay không cấp phép chứng nhận Kiến trúc sư ASEAN.
+ Bước 3: Kiến trúc sư đã được cấp chứng nhận là Kiến trúc sư ASEAN sẽ đủ điều kiện để đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành nghề kiến trúc sư ở một nước ASEAN khác để được cấp phép là Kiến trúc sư nước ngoài có đăng ký (RFA) tại nước đó, nhưng phải tuân theo các quy định và pháp luật liên quan của nước đó.
+ Bước 4: Kiến trúc sư được cấp phép RFA có thể hành nghề tự do hoặc phối hợp với các kiến trúc sư của nước sở tại.
Hiện tại, tất cả các thành viên ASEAN đã chính thức tham gia MRA này, và đã thành lập các cơ quan thực hiện MRA tại nước của mình, cũng như hoàn thành các thủ tục để thực hiện việc cấp chứng nhận Kiến trúc sư ASEAN. Ở Việt Nam, Bộ Xây dựng đã Ban hành Quyết định số 554/QĐ-BXD ngày 14/06/2011 về việc ban hành quy chế đánh giá kiến trúc sư ASEAN.    
Ủy ban Đào tạo kiến trúc sư ASEAN đã thành lập năm 2012 để bàn thảo về các khía cạnh đào tạo và đã tiến hành một nghiên cứu để tìm kiếm nền tảng chung có tính khả thi về việc hài hòa hóa chương trình đào tạo trong dài hạn. Tính tới thời điểm tháng 07/2017, đã có 371 kiến trúc sư ASEAN từ 10 quốc gia đã đăng bạ.
  Bảng 1. Số lượng kỹ sư và kiến trúc sư ASEAN tính đến tháng 7/2017
 
Quốc gia Kỹ sư ASEAN Kiến trúc sư ASEAN
Brunei Darussalam 15 11
Cambodia 53 4
Indonesia 965 103
Laos PDR 11 9
Malaysia 302 39
Myanmar 301 12
Philippines 260 64
Singapore 257 86
Thailand 187 26
Việt Nam 204 17
Tổng cộng 2555 371
 
Nguồn: ASEAN Secretariat, 07/2017
2.3. MRA đối với dịch vụ Kế toán (Accountancy Services)
MRA đối với lĩnh vực Kế toán ban đầu được ký tháng 2/2009 dưới hình thức một khuôn khổ MRA nhằm khuyến khích các nước ASEAN đã sẵn sàng để tham gia vào đàm phán song phương hoặc đa phương về MRA trong lĩnh vực này. Sau đó, MRA này được sửa đổi và ký chính thức vào ngày 13/11/2014 tại Nay Pyi Taw, Myanmar. ASEAN đã thành lập Ủy ban Điều phối Kế toán chuyên nghiệp ASEAN để thực hiện MRA này. Mỗi nước ASEAN cũng thành lập một Uỷ ban Giám sát về dịch vụ kế toán tại nước mình để thực hiện quy trình đánh giá và đăng ký cấp phép Kế toán chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN. MRA này áp dụng đối với tất cả các dịch vụ kế toán trừ dịch vụ ký báo cáo kiểm toán độc lập và các dịch vụ yêu cầu cấp phép ở các nước ASEAN. Quy trình đăng ký để được hành nghề tại một nước ASEAN khác như sau:
+ Bước 1: Kế toán chuyên nghiệp đủ điều kiện về trình độ và kinh nghiệm theo quy định trong MRA nộp đơn đăng ký lên Ủy ban Giám sát về dịch vụ kế toán của nước mình để xin cấp chứng nhận Kế toán chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN (ACPA).
+ Bước 2: Uỷ ban Giám sát xem xét đơn đăng ký và lập Bản đánh giá, sau đó gửi lên Uỷ ban Điều phối kế toán chuyên nghiệp ASEAN để quyết định cấp phép hay không cấp phép chứng nhận ACPA
+ Bước 3: Kế toán chuyên nghiệp đã được cấp chứng nhận ACPA sẽ đủ điều kiện để đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành nghề kế toán ở một nước ASEAN khác để được cấp phép là Kế toán chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký (RFPA) tại nước đó, nhưng phải tuân theo các quy định và pháp luật liên quan của nước đó.
+ Bước 4: Kế toán chuyên nghiệp được cấp phép RFPA có thể hành nghề nhưng phải phối hợp với Kế toán chuyên nghiệp của nước sở tại.
Tính đến thời điểm tháng 10/2015, MRA này mới ký được hơn 1 năm và hiện Cơ quan thực hiện – Uỷ ban Điều phối kế toán chuyên nghiệp (ACPACC) đã thành lập và họp. Các UB Giám sát quốc gia đã thành lập và các nước chuẩn bị yêu cầu đánh giá tương ứng để ACPACC xem xét vào năm 2016. Thư ký ACPACC thường trực tại Indonesia. Chủ tịch ACPACC luân phiên định kỳ 2 năm theo thứ tự abc và phó chủ tịch sẽ là đại diện quốc gia kế tiếp. Singapore đã được chọn là chủ tịch đầu tiên.
2.4. MRA đối với lĩnh vực Điều dưỡng, Hành nghề Y và Nha khoa
MRA về Điều dưỡng ký ngày 8/12/2006 tại Cebu, Philippines. MRA về Hành nghề y và MRA về Hành nghề nha khoa được ký ngày 26/2/2009 tại Cha-am, Thái Lan. Đặc điểm chung của cả 3 MRA này là không hướng tới thiết lập một cơ chế đăng ký hành nghề chung ASEAN mà chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác về công nhận lẫn nhau trong các lĩnh vực ngành nghề này, thúc đẩy áp dụng các thực tiễn tốt nhất về các tiêu chuẩn và trình độ, cung cấp cơ hội xây dựng năng lực và đào tạo… Vì vậy, các cá nhân của một nước ASEAN hoạt động trong 3 lĩnh vực này khi muốn hành nghề tại một nước ASEAN khác thì vẫn phải thực hiện hoàn toàn theo các quy định pháp luật và quy trình thủ tục liên quan của nước ASEAN khác đó. Mục tiêu gồm:
+ Di chuyển người người hành nghề y trong ASEAN;
+ Trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác công nhận lẫn nhau về hành nghề;
+ Thúc đẩy thông qua công nhận thực tiễn tốt về tiêu chuẩn và trình độ; và
+ Cung cấp các cơ hội nâng cao năng lực và đào tạo hành nghề y khoa;
Nhân tố chính là công nhận và điều kiện người hành nghề y là người nước ngoài (Điều 3):
Khoản 3.1. Công nhận người hành nghề nước ngoài:
+ Sở hữu văn bằng trình độ chuyên nghiệp;
+ Đăng ký hoạt động chuyên nghiệp một cách hợp pháp và có chứng chỉ/giấy phép hoạt động nghề hiện hành;
+ Hành nghề liên tục 03 năm với điều dưỡng viên, 05 năm với y và nha khoa;
+ Tuân thủ quy định phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) ở mức độ thỏa đáng;
+ Được chứng nhận bởi cơ quan quản lý là không vi phạm chuẩn mực đạo đức và nghề nghiệp;
+ Khai báo không bị điều tra hoặc xử lý về pháp luật.
Khoản 3.2. Điều kiện trở thành người hành nghề nước ngoài: người hành nghề nước ngoài phải thỏa mãn các điều kiện trên sẽ được công nhận đủ trình độ thực hành nghề tại nước sử dụng lao động.
2.5. MRA đối với lĩnh vực Khảo sát (Surveing Services)
Thỏa thuận khung về thừa nhận lẫn nhau về trình độ khảo sát được ký ngày 19/11/2011 tại Singapore nhằm mục tiêu tạo ra một khuôn khổ cho các nước ASEAN đã sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán song phương và đa phương về thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực này, cũng như thúc đẩy trao đổi thông tin, kỹ năng và các thực tiễn tốt… Cho đến nay, Brunei và Singapore đã kết thúc đàm phán MRA song phương, ASEAN nhất trí thực hiện theo hướng đăng bạ kiểm soát viên ASEAN và triển chương trình đào tạo và hồ sơ nghề nghiệp.
2.6. MRA đối với dịch vụ Du lịch
-  MRA đối với dịch vụ Du lịch (MRA-TP) được các nước ASEAN ký ngày 9/11/2012 tại Bangkok, Thái Lan. Nội dung chính là trình độ của người lao động của một nước ASEAN có thể được một nước ASEAN khác công nhận và được làm việc tại nước đó với điều kiện:
- Người lao động làm việc trong một trong 32 lĩnh vực dịch vụ khách sạn và lữ hành quy định trong Phụ lục đính kèm MRA-TP, trong đó không bao gồm Hướng dẫn viên du lịch.
- Người lao động phải được đào tạo và có Chứng nhận trình độ du lịch (còn hiệu lực) đáp ứng Tiêu chuẩn trình độ chung ASEAN về du lịch (ACCSTP) và được cấp bởi một Hội đồng chứng nhận nghề du lịch tại nước mình.
- Người lao động phải tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành của nước sở tại.
Hiện tại MRA này vẫn chưa có hiệu lực. Sáu nước Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan đã hoàn thành các thủ tục và quy trình trong nước để thực hiện MRA này nhưng 4 nước còn lại trong ASEAN bao gồm Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuẩn bị cho việc thực hiện MRA này. Đến nay, có thể nói ngành du lịch ASEAN đã:
+ Thành lập Ủy ban Giám sát nghề Du lịch ASEAN (ATPMC) năm 2010;
+ Xây dựng Hộp công cụ đào tạo cho 4 lĩnh vực dịch vụ khách sạn;
+ Xây dựng chương trình đào tạo viên ASEAN và đánh giá viên 4 lĩnh vực dịch vụ khách sạn;
+ Nghiên cứu khả thi thành lập Thư ký khu vực;
+ Hoàn thành 98 đơn vị của Hộp công cụ đối với điều hành tour và đại lý lữ hành;
+ Thành lập Thư ký khu vực về MRA-TP ngày 30/12/2015;
+ Khai trương hệ thống đăng ký hành nghề du lịch ASEAN như là cơ sở kết nối việc làm giữa người hành nghề nghề và ngành du lịch ASEAN ngày 09/8/2016 trong thời điểm diễn ra Hội nghị quốc tế về MRA-TP.
Đồng thời, ASEAN tiếp tục: Đào tạo đào tạo viên và đánh giá viên điều hành tour và đại lý lữ hành (tháng 10-11/2016 tại Việt Nam và Malaysia); hỗ trợ CLMV thực hiện MRA-TP do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đảm nhiệm.
3. Khung Tham chiếu trình độ ASEAN
Để hỗ trợ các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau ASEAN đã xây dựng Khung Tham chiếu Trình độ (ASEAN Qualifications Reference Framework - AQRF) để các trình độ có thể so sánh giữa các nước thành viên khi cung cấp một chuẩn gắn kết cho các Khung trình độ quốc gia (KTĐQG). AQRF đã được các Bộ trưởng Kinh tế phê chuẩn tháng 8/2014 và tiếp sau là các Bộ trưởng Giáo dục phê chuẩn tháng 9/2014. Việc trưng cầu phê chuẩn AQRF của các Bộ trưởng Lao động ASEAN cũng được hoàn tất vào tháng 5/2015. AQRF có mục đích tạo điều kiện so sánh, đối chiếu các trình độ xuyên quốc gia để:
- Hỗ trợ công nhận các trình độ;
- Thúc đẩy học tập suốt đời;
- Khuyến khích sự phát triển các cách tiếp cận quốc gia để hợp thức kết quả học tập ngoài giáo dục chính quy;
- Thúc đẩy dịch chuyển lao động;
- Thúc đẩy và khuyến khích sự lưu động của giáo dục và người học;
- Dẫn đến các hệ thống trình độ được hiểu biết tốt hơn;
- Thúc đẩy các hệ thống trình độ có chất lượng cao hơn;
- AQRF sẽ hỗ trợ và tăng cường KTĐQG hoặc hệ thống trình độ của mỗi nước trong khi cũng cung cấp một cơ chế hỗ trợ so sánh, minh bạch và hệ thống trình độ chất lượng cao hơn. Điều này đạt được thông qua:
+ Quá trình học tập lẫn nhau giữa các quốc gia, ví dụ như thiết kế và vận hành hệ thống trình độ.
+ Sự hiểu biết tốt hơn về hệ thống trình độ của quốc gia, ví dụ tạo cho hệ thống rõ ràng dễ hiểu hơn đối với những quốc gia khác.
+ Áp dụng các quy trình chất lượng được sử dụng ở những quốc gia khác.
Khung Tham chiếu sẽ gắn kết các KTĐQG hoặc các hệ thống trình độ ASEAN và trở thành một phần của cơ chế ASEAN cho việc công nhận các trình độ của khối theo các hệ thống trình độ khu vực khác. Mô tả bậc AQRF gồm hai cấu phần chính: 1) Kiến thức và kỹ năng; 2) Ứng dụng và trách nhiệm.
Tại Việt Nam, ngày 18/10/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Khung trình độ quốc gia (Viet Nam Qualifications Framework - VQF). Cấu trúc VQF như sau:
a) Bậc trình độ:
Bao gồm 8 bậc: Bậc 1 - Chứng chỉ I; Bậc 2 - Chứng chỉ II, Bậc 3 - Chứng chỉ III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ.
b) Chuẩn đầu ra bao gồm:
- Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết;
- Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử;
- Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
c) Khối lượng học tập tối thiểu, được tính bằng số tín chỉ người học phải tích lũy cho mỗi trình độ;
d) Văn bằng, chứng chỉ là văn bản công nhận kết quả học tập của một cơ sở giáo dục đối với một cá nhân sau khi kết thúc một khóa học, đáp ứng chuẩn đầu ra do cơ sở giáo dục quy định.
  Để tiến hành tham chiếu các khung trình độ quốc gia ASEAN sẽ thành lập Ủy ban AQRF, đây là cơ quan cấp cao tham gia vào các vấn đề kỹ thuật và chính sách xuất phát từ quá trình thực hiện và sự phát triển của một khuôn khổ năng lực khu vực. Ủy ban được coi là cơ quan ra quyết định. Ủy ban có trách nhiệm xây dựng niềm tin dựa trên tính minh bạch. Ủy ban AQRF, thông qua Chủ tịch, sẽ báo cáo lên 3 cơ quan cấp Bộ trưởng ASEAN (Kinh tế, Giáo dục và Lao động). Đối với các nước thành viên sẽ có Ủy ban quốc gia AQRF là cơ quan đầu mối kết nối các cơ quan xây dựng chính sách quốc gia, các cơ quan quản lý văn bằng/ trình độ quốc gia và Ủy ban AQRF. Ủy ban AQRF quốc gia xem xét thông tin và các vấn đề từ Ủy ban AQRF và là cơ quan đầu mối duy nhất cung cấp thông tin quốc gia và tiến trình thực hiện AQRF báo cáo lên Ủy ban AQRF. Ủy ban đại diện cho các bên liên quan chính về các văn bằng/trình độ trong một nước. Ủy ban có trách nhiệm về báo cáo tham chiếu nhưng có thể sẽ không trực tiếp tham gia vào quá trình viết báo cáo hay thực hiện quá trình tham chiếu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thành lập Ủy ban này để đảm nhiệm triển khai tham chiếu. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra để vừa thực hiện và quản trị khung trình độ quốc gia vừa tham chiếu trình độ với các nước thông qua AQRF, và vấn đề quan trọng nhất là làm sao đưa các khung trình độ này để xử lý các quan hệ đào tạo – sử dụng lao động và việc làm. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có nguồn lực sẵn sàng không chỉ tài chính mà chính là đội ngũ chuyên gia về khung trình độ./.
   TS. Nguyễn Quang Việt
 Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản

49/2018/NĐ-CP

Nghị định quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Lượt xem:3322 | lượt tải:953

12/2017/TT-BLĐTBXH

Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH

Lượt xem:3020 | lượt tải:0

TTTS20172

Thông tin tuyển sinh các trường năm 2017 cập nhật đến ngày 17/04/2017

Lượt xem:2876 | lượt tải:0

365/QĐ-TCĐN

Quyết định số 365/QĐ-TCĐN ngày 20/9/2016

Lượt xem:2699 | lượt tải:3766

761/QĐ-TTg

Quyết định số 761/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ

Lượt xem:3904 | lượt tải:2873
Liên kết
© Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh
- Địa chỉ: 412B Trần Phú - Thành phố Hà Tĩnh - Hà Tĩnh
- Điện thoại: 0239 3681690 --- Fax: 0239 3890023
- Email: cdncnhatinh@gmail.com 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây