Các hiệp định thương mại mang đến nhiều cơ hội việc làm
- Thứ hai - 08/06/2020 20:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tác động đa chiều
Theo các nghiên cứu được công bố, về cơ hội, việc gia nhập CPTPP sẽ đem lại nhiều cơ hội mới về việc làm cho người lao động, dự báo có thể mang lại 352 ngàn tới 456 ngàn việc làm tùy vào kịch bản, đem lại tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội. Một số ngành được hưởng lợi lớn về việc làm là dệt may, thương mại và các ngành công nghiệp nhẹ. Những cam kết trong CPTPP mà cốt lõi là cắt giảm hàng rào thuế quan, thực hiện nguyên tắc tự do bình đẳng trong thương mại mở ra việc tiếp cận thị trường một cách toàn diện, đảm bảo sự dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp. Về chất lượng việc làm, thời gian đầu tham gia, khả năng số lao động có tay nghề thấp tăng nhanh hơn, nhưng những năm sau, tỷ lệ lao động có kỹ năng sẽ tăng lên, số việc làm với lao động có trình độ kỹ thuật sẽ nhiều hơn.
Ngành dệt may sẽ có thêm nhiều việc làm khi Việt Nam tham gia CPTPP
Theo ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), với việc tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ tạo thêm từ 16.500 – 27.000 việc làm/năm, tính từ năm 2020 trở đi. Đối với việc tham gia Hiệp định EVFTA, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 – 19.0000 việc làm/năm. Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cũng dự đoán, việc tham gia Hiệp định RCEP cũng có thể giúp Việt Nam tạo thêm từ 13.700 – 15.000 việc làm/năm. Như vậy, các Hiệp định này sẽ tạo ra nguồn việc làm đáng kể, tới khoảng 50.000 – 60.000 việc làm mỗi năm mới cho Việt Nam, chưa kể các hiệp định song phương khác. Ông Vinh cho rằng các ngành có sử dụng nhiều lao động sẽ được hưởng lợi nhiều. Với Hiệp định CPTTP, nguồn việc trong lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm và đồ gỗ. Với Hiệp định EVFTA, nguồn việc sẽ cần nhiều là đồ gỗ và dệt may, da giày…
Đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp định CPTPP đối với ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, việc CPTPP được Quốc hội thông qua và đi vào thực thi là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp. Kỳ vọng từ CPTPP mang lại cho dệt may là giúp doanh nghiệp khai phá được thị trường mới, đa dạng thêm thị trường và các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Riêng với Hiệp định EVFTA, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ hai của dệt may Việt Nam chỉ sau Mỹ và luôn luôn có mức tăng trưởng tương đối cao (từ 7-10% hàng năm). Do đó, khi gia nhập EVFTA, hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi từ việc giảm thuế…
Khuyến cáo về chính sách lao động
Bên cạnh những tác động có lợi khi tham gia các Hiệp định thương mại, ông Đào Quang Vinh cũng đưa ra một số khuyến cáo: Các Hiệp định thương mại tự do ít có tác động cụ thể về cải thiện về chất lượng lao động. Trừ khi Việt Nam chủ động có những chính sách tác động bổ sung. Việt Nam cần có những nghiên cứu về tiền lương theo các nhóm lao động khác nhau, các ngành nghề khác nhau. Đây là nhu cầu lớn và thách thức.
“Những kết quả trên dù khả quan nhưng mới chỉ dựa trên những đánh giá ban đầu, chúng ta chỉ có được sự đánh giá tác động cụ thể khi các Hiệp định đã đi vào thực tế. Đồng thời, kết quả còn phải dựa vào điều kiện môi trường kinh tế, sự điều chỉnh của chính sách, đặc biệt là sự chuẩn bị của doanh nghiệp về cơ sở vật chất và nhân lực…” – ông Đào Quang Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, với việc tham gia CPTPP, các luồng đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng năng suất lao động, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, dưới tác động của hiệp định thì phân hóa tiền lương sẽ diễn ra nhiều hơn, đặc biệt giữa các doanh nghiệp FDI, giữa lao động có trình độ cao và trình độ thấp. Điều này sẽ đặt ra thách thức cần điều chỉnh trong các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề và an sinh xã hội.
Cho rằng CPTPP đem lại khởi sắc cho thị trường lao động Việt Nam, song ông Vinh cũng nhấn mạnh đến những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt, đặc biệt trong việc tận dụng cơ hội mà hiệp định mang lại. Theo ông Vinh, bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động thì cần chuẩn bị nhân lực, nguồn lực về đầu tư, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp để sản xuất và đảm bảo hàng hóa được các thị trường trong hiệp định chấp nhận.
Riêng đối với những lo ngại về việc có cơ hội việc làm được tạo ra song sẽ có việc làm bị suy giảm, ông Vinh khẳng định các kịch bản nghiên cứu đều cho thấy phần lớn các quan hệ thương mại giữa các hiệp định đều có tính chất bổ sung cho nhau, do đó những tác động trực tiếp đến giảm hoặc mất việc làm là không nhiều. Song, theo ông Vinh, thách thức lớn nhất đặt ra vẫn là có tận dụng được các cơ hội hay không, chẳng hạn có thể tạo ra 10.000 việc làm nhưng do năng lực của chúng ta chỉ đáp ứng được 5.000 thì một nửa việc làm còn lại sẽ bị bỏ phí. Do đó, trong các kịch bản về đánh giá tác động của CPTPP sắp tới, ông Vinh cho rằng cần xem xét thêm các “cú sốc” khác để có những dự báo cụ thể hơn.
Nguồn: Hiệp hội GDNN Việt Nam