Đội tuyển Robocon Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh
Là năm thứ 2 Hà Tĩnh tham gia đấu trường Robocon mà đại diện là Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh, nhưng kết quả nằm ngoài mong đợi. Nếu năm 2013 chỉ dừng lại ở khu vực, thì năm nay, Hà Tĩnh có tới 2 đội lọt vào chung kết toàn quốc (32 đội thi).
Sau vòng bảng, HATINH TECH DRAGON xuất sắc giành tấm vé vào đấu loại trực tiếp với thành tích đầu bảng B cùng 3 chiến thắng tuyệt đối. Đặc biệt hơn, chung kết Robocon toàn quốc năm nay có nhiều trường cao đẳng nghề trong cả nước tham gia, nhưng chỉ Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh lọt vào vòng 1/16, đối mặt các đội mạnh của các trường đại học.
Mặc dù không lọt vào tứ kết, nhưng những gì đội tuyển thể hiện đã chứng tỏ sự nỗ lực cũng như sức mạnh của Robocon Hà Tĩnh. Bởi nếu như chứng kiến trận đấu vòng loại trực tiếp giữa HATINH TECH DRAGON và LH 112 - Đại học Lạc Hồng mới thấy Hà Tĩnh thua bởi kém may mắn và chút lo lắng về tâm lí, còn sức mạnh giữa hai đội dường như ngang nhau.
Thành tích Robocon Hà Tĩnh đạt được rất đáng tự hào, nhưng ít ai biết rằng, đằng sau đó là cả một hành trình sáng tạo đầy gian nan. “Tháng 9/2013, khi có đề thi “gia đình Robot”, nhà trường tập trung tất cả cho robot; tiến hành lựa chọn, sàng lọc đội tuyển và bắt tay vào sáng tạo, từ chọn ý tưởng, thiết kế đồ họa và sản xuất. Để có thành quả hôm nay, đội đã trải qua nhiều thử thách với biết bao lần thất bại. 7 tháng trời, các sinh viên cùng ăn, cùng ngủ với robot tại trường. Thậm chí, có sinh viên xuất viện vì mổ khối u trước ngày chung kết toàn quốc chỉ 1 tuần, nhưng đã lao ngay vào luyện tập, thi đấu. Nếu không có quyết tâm, ý chí vượt khó, niềm đam mê thì không thể làm được” - thầy Trần Đắc Hòa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Một trận đấu tại vòng chung kết Robocon 2014 của trường. |
“Khác với các trường khác, robot Hà Tĩnh có điểm sáng tạo riêng. Robot thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả cao bởi việc sử dụng hệ điều khiển tiên tiến PIC, điều khiển truyền động cơ có phản hồi PID và chuyển động đa hướng linh hoạt nhờ sử dụng động cơ planet truyền động cho bánh xe mêcanum. Ngoài ra, còn dùng công nghệ nam châm điện để giao tiếp giữa robot bằng tay và robot tự động… Và năm sau chúng tôi sẽ tạo thêm chi tiết để robot chuyển động nhanh hơn” - thầy Lưu Trung Kiên, Trưởng khoa Điện - Trưởng đoàn Robocon Hà Tĩnh cho biết.
“Để làm được robot cần sự đầu tư rất lớn. Chi phí mỗi con robot khoảng 100 triệu đồng. Để có 3 con tham gia cuộc thi, trước đó phải chạy thử cả chục con. Ngoài nguồn kinh phí của nhà trường, lãnh đạo đã tham mưu các cấp, ngành từ địa phương đến trung ương và các doanh nghiệp… hỗ trợ hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, tỉnh rất quan tâm tới khoa học công nghệ, luôn động viên nhà trường về tinh thần lẫn vật chất, để đạt kết quả cao” - thầy Hòa cho biết thêm.
Robocon 2014 thực sự là sân chơi bổ ích cho sinh viên. “Cả đội tiếc nuối bởi không vào được vòng trong. Nhưng chúng em tự hào là đại diện màu cờ sắc áo cho sinh viên Hà Tĩnh, thi đấu hết mình và phần nào thể hiện được sức mạnh Robocon Hà Tĩnh. Nhờ robot, em đã trưởng thành hơn, biến kiến thức đã học vào trải nghiệm thực tế đầy lí thú, được cọ xát để nâng cao tay nghề, vững vàng sau khi ra trường…” - em Nguyễn Tiến Trung cho biết.
Robocon Hà Tĩnh dù “tuổi đời” còn non trẻ nhưng thành tích đạt được có thể xem là vang dội, là niềm vinh dự của tỉnh nhà. “Những năm tiếp theo, nhà trường tiếp tục đồng hành cùng Robocon, cập nhật công nghệ làm robot mới, thu hút đầu tư, tạo sân chơi bổ ích, giúp sinh viên chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học. Với niềm đam mê sáng tạo và tình yêu robot của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ nói riêng, sinh viên Hà Tĩnh nói chung, chúng tôi tin tưởng trong tương lai, các em sẽ làm được nhiều hơn thế” - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm.
THU PHƯƠNG / BÁO HÀ TĨNH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn