Theo công văn số 4066/LĐTBXH-TCGDNN này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo:
"1. Cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đã được Sở GD&ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp được tiếp tục giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh. Đối với các trường trung cấp, cao đẳng khác nếu có đủ điều kiện thì đăng ký với Sở GD&ĐT tại địa phương để được tổ chức giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp của mình.
2. Chỉ đạo các trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng để giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh đối với các trường trung cấp, cao đẳng không có đủ điều kiện tổ chức dạy văn hóa THPT cho học sinh tại trường..."
Trích văn bản hướng dẫn trước đó của Bộ GD&ĐT.
Cho tới thời điểm hiện tại, trước khi Bộ LĐ-TB&XH ra công văn này, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và GDTX thực hiện theo văn bản "Hướng dẫn tổ chức dạy Chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở GDTX" của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 31/07/2020.
Theo văn bản của Bộ GD&ĐT, "...đối với học sinh do trung tâm GDTX tuyển sinh theo học chương trình THPT có nguyện vọng học trung cấp nghề thì các cơ sở GDTX phối hợp với các trường trung cấp nghề, trường cao đẳng được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ trung cấp nghề để tổ chức dạy học.
Về phía người học do các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tuyển vào học trung cấp nghề có nguyện vọng học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT để dự thi tốt nghiệp THPT thì các đơn vị này phối hợp với các cơ sở GDTX để tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT.
Yêu cầu đối với các cơ sở GDNN muốn tổ chức cho học sinh học chương trình GDTX THPT phải bổ sung điều kiện thiết yếu như phòng học, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học, dụng cụ thí nghiệm, thực hành... sẵn sàng cho việc dạy văn hóa và việc tổ chức dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề..."
Học sinh học nghề và học văn hóa song song đã là gánh nặng, việc tổ chức học sao cho thuận tiện với các em là một trợ lực không nhỏ (Ảnh minh họa)
Trao đổi với PV Dân trí, một số đơn vị giáo dục nghề nghiệp cho rằng đề nghị của bộ LĐ-TB&XH gửi bộ GD&ĐT nếu thành hiện thực sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các học sinh trường trung cấp, cao đẳng nghề.
Việc "quy về một mối" - học nghề và văn hóa tại một trường có đủ điều kiện (được cơ quan quản lý chấp thuận), sẽ giúp các em không phải chịu cảnh "một lúc học hai trường" (học văn hóa thì tới cơ sở GDTX nhưng khi học nghề lại tới trường nghề), hạn chế được những bất tiện, khó khăn trong học tập và sinh hoạt.
Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng nên cho phép cơ sở GDNN đủ điều kiện, đã được cấp phép có thể chủ động dạy văn hóa THPT cho học sinh học nghề.
Theo Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh, hiện tại, các trường trung cấp, cao đẳng chịu trách nhiệm đào tạo nghề nhưng nội dung đào tạo văn hoá THPT lại do các trung tâm GDTX tổ chức quản lý giảng dạy và chịu trách nhiệm.
Do đó, một học sinh đồng thời phải chịu sự quản lý của cả 2 hệ thống, 2 cơ sở giáo dục, quá trình tổ chức đào tạo sẽ có nhiều khó khăn và trách nhiệm của mỗi cơ sở đôi khi chồng chéo.
Ông Khánh cho rằng, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nói riêng và nhiều cơ sở GDNN khác hiện nay có đủ các nguồn lực để triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng đối với nội dung giảng dạy văn hoá THPT cho học sinh học nghề.
Còn ông Hồ Viết Hà - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đánh giá: "Theo quan điểm của tôi, việc để cho các trường trung cấp, cao đẳng nghề đào tạo văn hóa THPT cho các em học nghề là cần thiết, phù hợp. Nhưng để dạy được thì phải có sự đồng ý của sở GD-ĐT (bằng văn bản) để đảm bảo chất lượng".
Về phía trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, trường cũng đang tổ chức cho học sinh đã tốt nghiệp THCS vừa học văn hóa vừa học nghề. Về chương trình trung cấp nghề, trường đào tạo thời gian từ 1,5 năm đến 2 năm. Trong số này, nếu các em chỉ đăng ký học nghề thì học 1,5 năm, ra trường được cấp bằng trung cấp nghề.
Còn với học sinh đăng ký thêm học phần văn hóa bổ sung, trường này đào tạo lồng ghép vào chương trình đào tạo nghề tổng thời lượng 2,5 - 3 năm. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được cấp bằng trung cấp nghề và giấy chứng nhận phần học văn hóa bổ sung. Nếu có giấy chứng nhận này, các em có thể tham gia các kỳ thi hoặc đủ điều kiện để học liên thông lên trình độ cao hơn.
Chương trình dạy văn hóa được trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tổ chức đào tạo dựa trên Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010 của Bộ G&ĐT về việc Ban hành Quy định về chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp; Công văn số 2817/LĐTBXH-TCGDNN ngày 13/7/2018 của Bộ LĐTB-XH về chương trình đào tạo Trung cấp được tăng cường đào tạo kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT để đảm bảo học sinh đủ điều kiện và năng lực tham gia thị trường lao động hoặc có thể tiếp tục học liên thông lên trình độ cao đẳng. Thêm vào đó, để dạy văn hóa cho học sinh học nghề, trường này có văn bản chấp thuận của Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng.
Mai Châm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn