Thầy Cao Minh Đức, Chủ nhiệm đề tài thuyết minh về nội dung nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu gồm các thành viên: Cao Minh Đức, Lưu Trung Kiên, Đỗ Sỹ Nguyên, Trần Hải Ninh, Phan Trọng Tài và Lê Anh Tuấn. Mục tiêu của đề tài là tạo ra một hệ thống giám sát và xử lý sự cố cho thiết bị nghề điện, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là đề tài khoa học công nghệ đầu tiên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ phục vụ giáo dục nghề nghiệp.
Hội đồng phản biện nêu ý kiến đánh giá
Buổi nghiệm thu có sự tham gia của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, chủ tịch Hội đồng. GS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, làm Phó Chủ tịch Hội đồng cùng các chuyên gia phản biện là PGS.TS. Tạ Thị Tuyết Bình, TS. Nguyễn Anh Thơ và các thành viên khác.
Theo đánh giá của Hội đồng, đề tài này mang tính đột phá trong lĩnh vực dạy nghề, đặc biệt là nghề điện, khi giúp tạo sự cố từ xa thông qua giao diện điều khiển. Điều này cho phép giáo viên không cần tác động trực tiếp vào thiết bị thực hành mà vẫn có thể tạo lỗi trên phần cứng để sinh viên thực hành. Hệ thống giám sát cũng cho phép giáo viên theo dõi quá trình học tập và đánh giá kỹ năng xử lý sự cố của sinh viên một cách tự động, chính xác.
GS.TS Lê Vân Trình nhận xét, đánh giá đề tài
GS.TS. Lê Vân Trình nhận xét đây là một thành quả nghiên cứu công phu, có giá trị ứng dụng cao trong giáo dục nghề nghiệp, đồng thời phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. PGS.TS. Tạ Thị Tuyết Bình cũng đánh giá cao tính thực tiễn và khả năng áp dụng rộng rãi của sản phẩm.
PGS.TS. Vũ Văn Thú nhận xét, đánh giá đề tài
PGS.TS. Vũ Văn Thú, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, nhấn mạnh tính phù hợp của đề tài đối với các cơ sở đào tạo nghề, đồng thời khẳng định sản phẩm này đã khắc phục được những hạn chế mà các thiết bị thực hành nghề điện khác chưa thể giải quyết.
TS. Nguyễn Anh Thơ Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động
Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, TS. Nguyễn Anh Thơ, đề nghị nhóm tác giả xem xét việc đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và triển khai nhân rộng sản phẩm ra hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tổ chức Công đoàn.
Thầy Nguyễn Đình Đại chia sẻ về quá trình phát triển và thử nghiệm sản phẩm
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, thầy Nguyễn Đình Đại, cũng chia sẻ về quá trình phát triển và thử nghiệm sản phẩm tại trường và nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết bị này trong giảng dạy nghề điện.
Đ/c Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu kết luận
Kết luận buổi nghiệm thu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, đánh giá cao trách nhiệm và năng lực của nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh đây là bước đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Tổng Liên đoàn. Ông cũng đề nghị nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến đóng góp và hoàn thiện đề tài để sớm đưa vào áp dụng rộng rãi trong hệ thống các cơ sở đào tạo nghề thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.