Đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ tư - 13/06/2018 21:26

HD 5 Co dien tu 002

HD 5 Co dien tu 002
Chúng ta đã và đang chứng kiến sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó việc hình thành các nhà máy thông minh, nhà máy số, đều được quản lý, quản trị thông qua hệ thống thực- ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của intenet vạn vật.
Trong bối cảnh đó, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; đồng thời cũng gặp không ít thách thức, khó khăn, nhất là thách thức về chất lượng nguồn nhân lực theo xu hướng đòi hỏi ngày càng cao. Chúng ta phải chấp nhận “luật chơi” chung trong trào lưu trên. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, vũ khí mạnh mẽ nhất đối với mỗi quốc gia là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng của người lao động để thích ứng với nhu cầu mới của nhà máy thông minh…, không ngừng tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả. Do đó đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0 không thể dùng mãi “ bài cũ” mà cần đổi mới và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp, tất yếu phải được ưu tiên trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam đòi hỏi Giáo dục nghề nghiệp cần phải luôn nâng cao năng lực, đổi mới căn bản và toàn diện.

Thí sinh dự thi nghề Cơ điện tử tại Kỳ thi tay nghề quốc gia 2018 (Ảnh minh họa)

Giáo dục nghề nghiệp không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực. Chuyển mạnh từ đào tạo chủ yếu theo “cung” sang đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước; đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy mạng lưới cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động với 1.974 cơ sở, trong đó có 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tuyển sinh năm học 2014-2015 đạt 2.292.834 người; chất lượng ngày càng được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế như: Cơ sở Giáo dục nghề nghiệp nhiều nhưng nhiều cơ sở năng lực yếu, nhất là năng lực quản trị; các doanh nghiệp tham gia đào tạo còn thiếu chính sách về lợi ích, nên việc tham gia của các doanh nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng; các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo được cải thiện nhưng vẫn còn chậm; hướng nghiệp, phân luồng chưa đủ mạnh nên vẫn còn bất cập giữa cung đào tạo với cầu sử dụng tạo nên sự lãng phí không cần thiết…

Vì thế, từ nay đến năm 2020, Giáo dục nghề nghiệp ở nước ta có trọng trách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; áp dụng phương pháp đào tạo theo năng lực thực hiện; chương trình đào tạo được thiết kế chủ yếu theo mođun, tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi cho người học phù hợp với điều kiện và năng lực của họ, thích ứng linh hoạt của thị trường lao động trong và ngoài nước. Để thục hiện mục tiêu trên Giáo dục nghề nghiệp cần tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng với những giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, phát triển chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo: Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tự chủ xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra; tích hợp các nội dung đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo; đào tạo và đánh giá tin học và tiếng Anh cho người học theo các chuẩn quốc tế; Người học không phải thi tốt nghiệp cuối khóa khi tích lũy đủ mô-đun, tín chỉ; Người tốt nghiệp trình độ cao đẳng được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành; người học học các chương trình được chuyển giao từ nước ngoài được cấp hai bẳng: bằng của Việt Nam và bằng của nước chuyển giao chương trình; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, dạy và học; Mời doanh nghiệp tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình tổ chức đào tạo từ xây dựng chương trình, tuyển sinh, đào tạo, thi kiểm tra và giải quyết việc làm cho người học.

Hai là, đổi mới trong phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý: quyết liệt thực hiện chuẩn nhà giáo theo các cấp độ quốc gia, hương tiếp cận với các nước tiên tiến khu vực Asean và quốc tế; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trở thành nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo ở các nước phát triển để hình thành đội ngũ giáo viên hạt nhân đạt chuẩn quốc tế có đủ năng lực để đào tạo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài. Định kỳ đào tạo, bồi dưỡng công nghệ mới cho nhà giáo; bắt buộc nhà giáo phải định kỳ thực tập tại doanh nghiệp; Ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ quản lý nhà nước các cấp và của cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý để hình thành đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng về công nghệ quản lý hiện đại.

Ba là, về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo: Xây dựng các bộ tiêu chuẩn về thiết kế trường, thư viện, xưởng thực hành theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo; ban hành danh mục và tiêu chuẩn thiết bị đào tạo và các bộ định mức tiêu hao vật tư trong đào tạo theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh việc xây dựng các phần mềm mô phỏng hóa, số hóa bài giảng, phòng học ảo, học trực tuyến cho các nghề trọng điểm quốc gia để giảm bớt đầu tư trang thiết bị thực trong đào tạo.

Bốn là, về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Rà soát, xắp xếp mạng lưới cơ sở hợp lý, đủ mạnh, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng: cầu về phát triển nông nghiệp nông thôn, trọng tâm là mô hình nông thôn mới, cầu về công nghiệp hóa hiện đại hóa và cầu về hội nhập quốc tế ở cả 3 cấp trình độ; Chú trọng nâng cao năng lực cơ sở, đặc biệt năng lực quản trị với việc nâng cao năng lực hệ thống.

Năm là, về đổi mới cơ chế, chính sách: Tiến tới giao quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở về nhân sự, tài chính, tổ chức đào tạo; Từng bước chuyển cơ chế cấp kinh phí thường xuyên cho các cơ sở sang cơ chế đặt hàng và đấu thầu đào tạo theo kết quả đầu ra không phân biệt trường công lập hay tư thục với cơ chế giá dịch vụ trong đào tạo trên cơ sở tính đúng, tính đủ theo cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí của từng ngành, nghề và cấp trình độ đào tạo; Ban hành chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh tốt nghiệp THCS, người dân tộc vào học các cấp trình độ; Quy định danh mục ngành, nghề người lao động bắt buộc phải có văn bằng chứng chỉ theo các trình độ mới được tham gia thị trường lao động; quy định mức lương tối thiểu theo cấp trình độ đào tạo; Miễn trừ thuế đối với các hoạt động đào tạo do doanh nghiệp thực hiện đối với người lao động của mình hoặc cho xã hội.

Sáu là, về đổi mới quản lý: Quản lý và vận hành hệ thống theo chuẩn quốc gia và áp dụng chuẩn của các nước khu vực ASEAN và một số nước phát triển; Quản lý khung trình độ quốc gia; khung trình độ quốc gia phù hợp với khung tham chiếu ASEAN; xây dựng chuẩn đầu; Hình thành chi cục giáo dục nghề nghiệp tại một số địa phương.

Bảy là, về các yếu tố khác như: Tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp: doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp số liệu về nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu đối với vị trí việc làm; doanh nghiệp tham gia vào tất cả các công đoạn của quá trình đào tạo từ việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo đến việc thi, kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp; thành lập hội đồng ngành trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, các doanh nghiệp; áp dụng mô hình đào tạo song hành của CHLB Đức đối với một số ngành, nghề đào tạo; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin toàn bộ hệ thống trong các hoạt động quản lý nhà nước, quản trị nhà trường và trong hoạt động dạy và học; Thúc đẩy việc công nhận bằng cấp với các nước trên thế giới; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài; Thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập; tổ chức xây dựng hệ thống quản lý, đảm bảo chất lượng hiện đại theo chuẩn của các nước phát triển; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin quản lý hiện đại tại các cơ sở; Tăng cường nghiên cứu khoa học ứng dụng…

Đổi mới, nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.

PGS. TS Cao Văn Sâm - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản

49/2018/NĐ-CP

Nghị định quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Lượt xem:3456 | lượt tải:984

12/2017/TT-BLĐTBXH

Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH

Lượt xem:3134 | lượt tải:0

TTTS20172

Thông tin tuyển sinh các trường năm 2017 cập nhật đến ngày 17/04/2017

Lượt xem:3010 | lượt tải:0

365/QĐ-TCĐN

Quyết định số 365/QĐ-TCĐN ngày 20/9/2016

Lượt xem:2793 | lượt tải:3803

761/QĐ-TTg

Quyết định số 761/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ

Lượt xem:4064 | lượt tải:2926
Liên kết
© Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh
- Địa chỉ: 412B Trần Phú - Thành phố Hà Tĩnh - Hà Tĩnh
- Điện thoại: 0239 3681690 --- Fax: 0239 3890023
- Email: cdncnhatinh@gmail.com 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây