Cách lựa chọn nghề nghiệp tương lai

Chủ nhật - 11/06/2017 23:40
Chọn một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không thật sự vững chắc.
Cách lựa chọn nghề nghiệp tương lai

Sau một thời gian làm công tác hướng nghiệp cho các bạn học sinh phổ thông, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm khi lựa chọn nghề nghiệp với các bạn.

Tránh những việc không đúng đắn khi chọn nghề

- Chọn nghề theo sự mong muốn, áp đặt của bố, mẹ và người thân. Do gia đình có nghề nghiệp truyền thống hoặc có mối quan hệ sẵn có nên thường áp đặt con cái theo ý muốn của mình.

- Chọn nghề theo sự rủ rê của nhóm, của bạn bè và của người yêu.

- Chọn nghề không phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích của mình.

- Chọn nghề may rủi theo kiểu chọn đại.

- Chọn nghề chỉ ở bậc đại học.

- Chọn nghề theo "mác", theo "nhãn", theo phong trào.

- Chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền mà không biết nghề đó có phù hợp với mình không.

- Chọn nghề không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: điều kiện kinh tế, cá nhân hoặc gia đình.

- Chọn nghề không gắn với nhu cầu xã hội.

- Nhờ những người dùng phương pháp thần bí lựa nghề giúp bạn như các nhà chiêm tinh, thầy bói (xem chỉ tay, chữ viết, coi tướng...).

Cần xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào

Để xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, bạn hãy bắt đầu từ sở thích, tính cách và điều kiện của mình. Chọn ra những nghề nào thích hợp nhất để nghiên cứu và loại bỏ dần. Bạn có thể thực hiện những bài trắc nghiệm về nghề nghiệp. Dựa trên cơ sở năng lực, sở thích, quan điểm, nguyên tắc sống của bạn..., các trắc nghiệm sẽ đưa ra những tư vấn và dự đoán về nghề nghiệp hoặc nhóm ngành nghề phù hợp với bạn.

Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa việc chọn nghề qua việc làm bài trắc nghiệm. Việc chọn nghề còn phải xét đủ những điều kiện vật chất, xã hội, kinh tế... ở xung quanh ta, và phối hợp với nhiều phương pháp khác để đạt được hiệu quả cao nhất.

Bạn hãy tận dụng các cơ hội để làm một số công việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để khám phá năng lực, sở thích, tính cách bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không.Ví dụ: làm báo tường, viết bài gửi cho các báo... để xem mình có phù hợp với nghề báo không; làm thủ quĩ cho lớp để xem mình có phù hợp nghề kế toán không...

Bạn có thể tới các công ty, trung tâm tư vấn về tâm lý, giáo dục, nơi đó họ có đủ sách, tài liệu, kiến thức về các nghề nghiệp để tư vấn cho bạn. Hãy tham khảo ý kiến của thầy cô, người nhà, bạn bè... để đánh giá các sở thích và khả năng của mình phù hợp với ngành nghề nào.

Hãy tham dự các buổi thuyết trình của các báo cáo viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Hãy đến thư viện, lên Internet để tìm hiểu thêm về các lĩnh vực mà mình quan tâm. Tranh thủ nhiều nhất những điều kiện đang có để tham quan thực tế nghề nghiệp, tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua một số cá nhân đang làm nghề.

Trao đổi với những ai đã thành công trong lĩnh vực bạn sắp chọn. Hỏi về cách sống, cách làm việc, tìm hiểu cả môi trường làm việc, những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi trong nghề nghiệp, điều kiện phát triển...

Khám phá xem công việc này phù hợp với những tính cách nào. Bạn đã có gì và cần phải trang bị thêm những gì, để từ đó có những định hướng hợp lý nhất và có thể điều chỉnh khi phù hợp.

Hãy để sự lựa chọn của mình mở ra với nhiều nghề nghiệp khác nhau.

Cần tìm hiểu nhiều về những ngành nghề mà mình lựa chọn

Trong mỗi ngành nghề, ít nhất là phải biết các yêu cầu sau về nghề:

- Tên nghề và những nghề nghiệp chuyên môn thường gặp trong nghề.

- Mục tiêu đào tạo và nội dung đào tạo của ngành nghề.

- Nhu cầu thị trường lao động đối với ngành nghề đó.

- Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để tham gia lao động trong nghề.

- Những nơi đào tạo ngành nghề từ hệ công nhân kỹ thuật cho đến bậc đại học.

- Học phí, học bổng.

- Bằng cấp và cơ hội học lên cao .

- Thời gian đào tạo và phương thức đào tạo.

- Tìm hiểu khối thi tuyển sinh đầu vào, điểm trúng tuyển của ngành nghề đó trong ba năm liên tiếp.

- Những nơi có thể làm việc sau khi học ngành nghề.

- Những chống chỉ định y học.

- Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của nhà trường.

Xác định năng lực học tập của bạn

Bạn có thể dùng phối hợp một số cách sau:

- Căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành bạn định theo học. Tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành nghề đó ở trường bạn muốn thi vào trong ba năm liên tiếp, từ đó so sánh với sức học của mình cho phép bạn xác định khả năng trúng tuyển của mình vào trường đó như thế nào. Lưu ý bạn rằng cùng một ngành học nhưng có thể thi đầu vào bằng nhiều khối khác nhau. Hãy chọn thi khối nào là sở trường của bạn.

- Giải thử đề thi đại học ba năm gần đây và so sánh điểm chuẩn với ngành học ở trường mà mình định thi vào để ước lượng năng lực, khả năng trúng tuyển của mình.

- Nhờ thầy/cô, người thân, bạn bè đánh giá, nhận xét.

Trên cơ sở đó bạn tự ước lượng và đánh giá năng lực bản thân, từ đó chọn ngành học, trường thi cho phù hợp với năng lực của mình.

ThS TRẦN MINH ĐỨC (ĐHQG TP. HCM)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

49/2018/NĐ-CP

Nghị định quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Lượt xem:3561 | lượt tải:1010

12/2017/TT-BLĐTBXH

Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH

Lượt xem:3222 | lượt tải:0

TTTS20172

Thông tin tuyển sinh các trường năm 2017 cập nhật đến ngày 17/04/2017

Lượt xem:3136 | lượt tải:0

365/QĐ-TCĐN

Quyết định số 365/QĐ-TCĐN ngày 20/9/2016

Lượt xem:2860 | lượt tải:3831

761/QĐ-TTg

Quyết định số 761/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ

Lượt xem:4164 | lượt tải:2988
Liên kết
© Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh
- Địa chỉ: 412B Trần Phú - Thành phố Hà Tĩnh - Hà Tĩnh
- Điện thoại: 0239 3681690 --- Fax: 0239 3890023
- Email: cdncnhatinh@gmail.com 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây