Ngành nhân văn… "đắt như tôm tươi"
Được xếp chung với đại diện các trường khối Kinh tế, Công an, Quân đội vốn được dự báo là rất thu hút sự quan tâm của các bạn học sinh, nhưng PGS-TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), nhận được hàng chục câu hỏi trong mỗi phiên tư vấn.
Trong đó, báo chí - truyền thông, tâm lý học, đông phương học là những ngành được nhiều học sinh quan tâm nhất. Các em không chỉ mong muốn được mô tả kĩ về ngành đào tạo, vị trí việc làm trong tương lai mà nhiều học sinh hỏi kĩ về môi trường làm việc thế nào? Cần năng lực, kĩ năng gì mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Sau phiên tư vấn buổi sáng, PGS-TS Hoàng Anh Tuấn tiếp tục phải tư vấn cho các bạn học sinh gần một giờ nữa vì còn quá nhiều bạn trẻ muốn biết thêm về các ngành trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn.
Theo thầy Tuấn thì cả những ngành vốn ít sức hút như Tôn giáo cũng vẫn có những học sinh quan tâm và hỏi kĩ lưỡng. Đây cũng là tín hiệu mừng khi trong một thời gian khá dài lĩnh vực Khoa học Xã hội Nhân văn được xem là lĩnh vực "ế ẩm".
Makerting… nóng sôi sục
Hàng chục câu hỏi về ngành makerting khiến bốn thầy cô đại diện cho khối ngành Kinh tế trong phiên tư vấn buổi chiều phải chia nhau trả lời.
Mặc dù quan tâm, nhưng những câu hỏi của học sinh cho thấy nhiều em "thích nhưng không biết thích gì" vì các em chưa nắm được những mô tả cơ bản nhất về ngành makerting mà chỉ thấy tên gọi hay nên quan tâm.
TS Nguyễn Đào Tùng, trưởng Ban Đào tạo Học viện Tài chính, cho biết ngành makerting là một phận của ngành quản trị kinh doanh. "Giống như tình yêu, làm gì thì làm phải để người ta nhớ đến mình, yêu mình. Có nghĩa phải dùng các kĩ năng, biện pháp, thống kê, điều tra để tìm ra cách để khách hàng mua hàng của mình nhiều nhất. Không có makerting thì doanh nghiệp giống như người bày tỏ tình yêu mà không có hoa hồng" - ông Túng ví von một cách hài hước.
"Thầy có thể tóm tắt thành phần cơ bản của công ty kinh doanh", một học sinh đặt câu hỏi được PGS-TS Bùi Đức Triệu, trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận xét là câu hỏi thú vị.
Thầy Triệu giải thích khi mô tả các thành phần của một công ty kinh doanh thì cũng có nghĩa sẽ giới thiệu được những ngành đào tạo khác nhau. Vì trong cùng một môi trường công việc là công ty kinh doanh nhưng mỗi vị trí làm việc sẽ cần một trình độ đào tạo của các chuyên ngành khác nhau như quản lý kinh doanh, makerting, kế toán…
Ngành nào cũng… "nổi"!
Một thí sinh bày tỏ mong muốn là sinh viên trường y, sau này được công tác trong ngành y, nhưng vẫn có băn khoăn trước mắt trong lựa chọn ngành nghề vì lo sợ ngành mình chọn lựa không... thời thượng. "Em muốn biết tại Trường ĐH Y Hà Nội hiện nay, đâu là ngành đang nổi?"
Giải đáp câu hỏi này của TS Lê Đình Tùng, trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Y Hà Nội, nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của thí sinh tại khu vực tư vấn khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược: "Tại Trường ĐH Y Hà Nội, cả 9 ngành đào tạo đều đang... nổi".
Theo đó, cơ hội việc làm ngành cử nhân và ngành bác sĩ đều như nhau, vấn đề phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, khả năng đáp ứng công việc của sinh viên sau tốt nghiệp.
Thống kê của trường cho thấy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn xấp xỉ 90%. Nhìn rộng ra, cơ hội việc làm của ngành bác sĩ hay điều dưỡng đều rất rộng mở. Dự kiến từ nay đến năm 2020 riêng khu vực đồng bằng sông Hồng phải bổ sung thêm 12.000 bác sĩ, 25.000 điều dưỡng. Con số về nhu cầu nhân lực ngành y trên cả nước đến năm 2020 còn nhiều hơn: cần bổ su ng hơn 55.000 bác sĩ, gần 84.000 điều dưỡng.
Ông Tùng cũng chia sẻ khó có định nghĩa về ngành "hot" để định vị, nhưng nếu xét theo điểm chuẩn vào trường thì ngành y đa khoa, răng hàm mặt đang là những ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường trong những năm qua.
Lương từ 6 triệu đến ngàn USD
Không chỉ băn khoăn về cơ hội việc làm, thí sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp 2018 còn đặc biệt quan tâm đến mức lương sau tốt nghiệp.
"Trường ĐH Giao thông vận tải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp khoảng 90%, vậy mức lương cụ thể sau ra trường của các ngành đào tạo thường ở mức nào?".
Đáp lại câu hỏi này, PGS. TS Nguyễn Thanh Chương cho biết mức lương khởi điểm cho sinh viên của trường sau tốt nghiệp thường ở mức 6-7 triệu đồng. Tuy nhiên, có những ngành như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông hay sinh viên tốt nghiệp ngành công trình đi làm tại các doanh nghiệp liên doanh, nước ngoài, mức lương ban đầu có thể đã ở mức 15 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Thành, trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho biết mức thu nhập kỹ sư khai thác mỏ rất đáng để thí sinh cân nhắc và quyết tâm lựa chọn vì đây là ngành thu nhập cao nhưng cũng rất "kén" người.
Theo đó, trong sáu tháng đầu tiên được tuyển dụng, kỹ sư khai thác mỏ có thể đạt mức lương khởi điểm 800 USD/tháng. Sau một năm, nếu đáp ứng tốt với yêu cầu của công việc, mức lương có thể lên 1.200 USD/tháng.
Nam có được học ngành hộ sinh?
Một thí sinh nam bất ngờ đặt câu hỏi. "Em muốn học ngành hộ sinh, nhưng là con trai. Em muốn biết vì sao các bạn nam không được học ngành hộ sinh?".
TS Lê Đình Tùng, trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết không có quy định nào cấm thí sinh nam vào học ngành này. Việc lựa chọn ngành đào tạo phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của thí sinh.
Một số hính ảnh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hà Nội:
Theo VĨNH HÀ - NGỌC HÀ/ Tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn