10 dấu ấn nổi bật về giáo dục nghề nghiệp năm 2019

Thứ sáu - 10/01/2020 03:30

10 dấu ấn nổi bật về giáo dục nghề nghiệp năm 2019

Điểm lại 10 dấu ấn nổi bật về giáo dục nghề nghiệp năm 2019
1. Thể chế, chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện (Luật giáo dục sửa đổi, Bộ Luật lao động sửa đổi được thông qua).

          Trong năm 2019, nhiều chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang, cơ chế cho đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nổi bật là một số chính sách, quy định được cụ thể hóa trong Luật giáo dục (sửa đổi) và Bộ Luật lao động (sửa đổi):
1.1. Luật Giáo dục (sửa đổi)
 Ngày 14/6/2019, Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với những nội dung mới quy định về giáo dục nghề nghiệp như sau: Quy định rõ thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Xác định rõ cơ chế phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp; Xác định rõ cơ chế liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam; Quy định rõ chức năng đào tạo văn hóa trung học phổ thông trong các trường cao đẳng, trường trung cấp; Quy định rõ thẩm quyền của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh học tại cơ sở của mình; Quy định rõ giá trị pháp lý của giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông để người học đủ điều kiện theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả trình độ cao đẳng; Quy định rõ các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc giáo dục quốc dân, và các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp; Quy định rõ các cơ sở giáo dục được phép tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cũng như cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp và việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

 
             Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi)
           1.2.  Bộ Luật lao động (sửa đổi)
         
 Ngày 20/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi. Về giáo dục nghề nghiệp, Bộ Luật lao động sửa đổi đã quy định cụ thể về các nội dung: Doanh nghiệp, người sử dụng lao động được phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định; Tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động; tham gia hội đồng kỹ năng nghề; dự báo nhu cầu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tổ chức đánh giá và công nhận kỹ năng nghề; phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, một số thuật ngữ, khái niệm như học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động được định nghĩa rõ ràng và đầy đủ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vai trò, quyền và trách nhiệm trong hoạt động đào tạo nghề, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho lao động tại doanh nghiệp hoặc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nơi khác; Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.

2. Tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Skilling up Việt Nam; Hội thảo quốc gia VEC 2019 - “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”.

Với mục tiêu và khát vọng xây dựng một quốc gia thịnh vượng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi việc phát triển lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng tay nghề cao thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện đại, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế là giải pháp then chốt để thực hiện khát vọng trên. Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Skilling up Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” được tổ chức vào ngày 16/11/2019 tại Hà Nội, đây là lần đầu tiên một diễn đàn về kỹ năng nghề với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Diễn đàn khẳng định một tầm nhìn và khát vọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng tay nghề đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển vào năm 2045. Chính chủ đề của Diễn đàn đã nói lên thông điệp khẳng định vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; gắn kết mạnh mẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh ý nghĩa về mặt chuyên môn, Diễn đàn còn là dịp nhìn lại 03 năm triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh truyền thông nâng tầm hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp trong xã hội, cộng đồng doanh nghiệp. 

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức “Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường đồng hành đổi mới, nâng cao chất ượng giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động VN”

Các hoạt động bên lề của Diễn đàn được tổ chức đồng bộ với 5 Hội thảo với 5 chủ đề: Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0; Thực trạng và giải pháp gắn kết GDNN với doanh nghiệp - Góc nhìn từ doanh nghiệp; Phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo tại doanh nghiệp; Tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng nghề - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động giáo dục nghề. Hoạt động kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, triển lãm thiết bị dạy nghề và triển lãm ảnh về giáo dục nghề nghiệp.

          Kết thúc Diễn đàn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong việc phát triển kỹ năng, đổi mới, tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

          Hội thảo quốc gia VEC 2019 được Ủy Ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức vào ngày 20/9/2019, với chủ đề Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất ý tưởng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, từ đó, góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Ủy ban, các Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng thẩm tra, giám sát và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành và cơ quan hữu quan hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát triển giáo dục nghề nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế của đất nước.

3. Lần đầu tiên Việt Nam giành huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới.

       Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 được tổ chức từ ngày 16/8/2019 đến 28/8/2019 tại KaZan Liên Bang Nga. Kỳ thi năm nay có quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay với số lượng nghề thi chính thức là 56 nghề đến từ 63 quốc gia, vùng lãnh thổ của Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới; số thí sinh đăng ký dự thi là 1355 thí sinh. Ngoài 56 nghề thi chính thức, kỳ thi năm nay có 12 nghề được tổ chức cho các em ở tuổi thanh thiếu niên từ 15 – 17 tuổi; 15 nghề tổ chức giới thiệu kỹ năng tương lai và 09 nghề trình diễn. Về kết quả kỳ thi, đoàn Việt Nam giành 01 huy chương bạc, 8 chứng chỉ nghề xuất sắc.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa cho đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề Thế giới năm 2019 tại Diễn đàn
Kỳ thi đánh dấu bước tiến mới của Đoàn Việt Nam khi tham gia đấu trường Kỹ năng nghề thế giới. Theo đánh giá chung, chất lượng bài thi của thí sinh Đoàn Việt Nam tại Kỳ thi lần thứ 45 cao hơn so với các Kỳ thi lần trước. Đặc biệt, Đoàn Việt Nam đã giành một huy chương Bạc nghề Phay CNC, toàn Đoàn đạt thành tích tốt nhất từ trước tới nay trong các Kỳ thi tay nghề thế giới. Việc thí sinh Việt Nam đạt thành tích cao ở Kỳ thi tay nghề thế giới cho thấy công tác huấn luyện và tuyển chọn thí sinh tham gia thi thi tay nghề đã đúng hướng và hiệu quả. Đồng thời cũng khẳng định sự gắn kết với giáo dục nghề nghiệp, xã hội hóa trong công tác dạy nghề nói chung và đào tạo, huấn luyện thí sinh tham gia các Kỳ thi tay nghề thế giới và khu vực. Trình độ kỹ năng nghề của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, sánh ngang tầm khu vực và thế giới. Điều này cho thấy phong trào dạy và học, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, rông khắp cả nước ở tất cả các cấp; Sớm hội nhập quốc tế về thi tay nghề, tăng cường hợp tác quốc tế về thi tay nghề.

4. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp tăng 13 bậc theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

         Năm 2019, ngành giáo dục nghề nghiệp tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp đồng bộ, trọng tâm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cũng là năm bản lề để bước vào năm cuối hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020. Được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã và đang có những chuyển biến tích cực mang tính đột phá và toàn diện, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động trong nước và quốc tế, chất lượng giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, tiếp cận với khu vực và thế giới. Ước năm 2019, tuyển sinh GDNN được 2.338 nghìn người, đạt 103,5% kế hoạch năm, bằng 105,8% so với năm 2018; trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 568 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.770 nghìn người. Đây là năm thứ 3 liên tiếp kể từ khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp được thống nhất quản lý về Bộ LĐ-TB&XH, ngành giáo dục nghề nghiệp đạt vượt chỉ tiêu về tuyển sinh. Điều đó thể hiện trước hết là ở chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều đổi mới trong phát triển đổi ngũ nhà giáo, phương pháp giảng dạy và đặc biệt thay đổi tư duy nhận thức trong tổ chức đào tạo, tuyển sinh gắn với tuyển dụng, đào tạo gắn với ví trí việc làm. Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm. Theo thống kê, năm 2019, trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp TC, CĐ có việc làm, có trường, có nghề đạt tỷ lệ 100% với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.

          Trước yêu cầu phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, năm 2019, Chính phủ quan tâm đầu tư phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án "Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025". Đề án nhằm phát triển trường cao đẳng chất lượng cao với các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã từng bước khẳng định thương hiệu, chất lượng thông qua hoạt động kiểm định chất lượng quốc tế. Đến nay đã có hàng chục trường có chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường 12 nghề đạt tiêu chuẩn của Úc; 45 trường 22 nghề đạt tiêu chuẩn của Đức.

          Với những nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2019, năm bản lề để hoàn tất các mục tiêu của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020, chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã được khẳng định, thể hiện rõ nét vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chất lượng đào tạo nghề nghiệp Việt Nam năm 2019 tăng tới 13 bậc. Việt Nam là nước tăng cao nhất trong khu vực ASEAN.

5. Truyền thông giáo dục nghề nghiệp lan tỏa tích cực, thu hút ngày càng nhiều người học và sự quan tâm của doanh nghiệp, của xã hội; ứng dụng CNTT trong quản lý và kết nối doanh nghiệp được tăng cường.

Công tác truyền thông Giáo dục nghề nghiệp trong năm tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh với nhiều hoạt động đa dạng: Phối hợp, tham gia cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,  Báo Tuổi trẻ tổ chức các ngày hội tư vấn tuyển sinh; phối hợp cùng Đại sứ quán Úc tổ chức Tuần lễ tay nghề Úc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Phối hợp với các cơ quan Báo chí, Hội nghề nghiệp tổ chức phát động các cuộc thi viết, xây dựng video, sáng tác ca khúc về giáo dục nghề nghiệp. Nhiều hoạt động của giáo dục nghề nghiệp được livestream trực tiếp trên mạng xã hội, thu hút đông đảo người xem.

Truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2019 đã bám sát các hoạt động, sự kiến lớn của ngành giáo dục nghề nghiệp, đa dạng các nội dung, phương thức truyền thông nhằm truyền tải kịp thời hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp tới doanh nghiệp, người dân và xã hội.

 
Thứ trưởng Lê Quân, Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực hiện nghi thức công bố hai trang thông tin

Đội ngũ làm công tác truyền thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được bồi dưỡng căn bản và chuyên sâu về truyền thông giáo dục nghề nghiệp tạo nhân tố tích cực thúc đẩy công tác truyền thông cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hình ảnh cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp và xã hội từ đó nâng cao hiểu quả công tác tuyển sinh: Công tác truyền thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh với nhiều hình thức khác nhau như ngày tư vấn tuyển sinh, hoạt động trải nghiệm thực tế tại trường nghề, tổ chức các buổi tư vấn tại các trường THPT, THCS; tổ chức các đoàn giáo viên, học sinh về vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh, sửa chữa đồ gia dụng, phát quà miễn phí để quảng bá hình ảnh giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ cộng tác viên của ngành giáo dục nghề nghiệp được tập huấn đã tích cực viết tin bài, xây dựng video clip truyền thông về giáo dục nghề nghiệp.

          Công tác truyền thông đã nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và quảng bá hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp; Tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) vào giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ công tác tuyển sinh - hướng nghiệp, giải quyết việc làm, lập nghiệp, khởi nghiệp. Thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp.

  Trong năm 2019, Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kết nối doanh nghiệp được đẩy mạnh và đạt được một số kết quả quan trọng. Trang thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp và Trang thông tin kết nối doanh nghiệp được xây dựng và triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong việc tra cứu văn bằng và thông tin kết nối giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Với cơ sở dữ liệu sẽ được cập nhật thường xuyên từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hai trang thông tin này sẽ trở thành kênh thông tin quan trọng, giúp học sinh, phụ huynh, người dân và doanh nghiệp cập nhật kết nối tốt với hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Trang thông tin tuyển sinh và Ứng dụng Chọn nghề trên thiết bị di động được nâng cấp, cho phép người học có thể đăng ký trực tuyến, trực tiếp vào học giáo dục nghề nghiệp cùng với việc bổ sung các thông tin hướng nghiệp cụ thể hơn tới người xem thông qua các video, clip, hình ảnh, tin bài,...từ đó giúp phụ huynh, học sinh nắm được bức tranh tổng thể về giáo dục nghề nghiệp.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             
6. Nhiều hoạt động tôn vinh người dạy, người học và các doanh nghiệp đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

          Năm 2019, ngành giáo dục nghề nghiệp ghi dấu nhiều thành công lớn. Để đạt được những thành công đó bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của toàn ngành còn có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sự tham gia, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các thầy cô và các em đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn đóng góp vào sự thành công của giáo dục nghề nghiệp. Ghi nhận những cố gắng nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, trong năm qua, bằng nhiều hình thức ngành giáo dục nghề nghiệp đã tăng cường công tác tôn vinh đội ngũ này: Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chiều ngày 19/11/2019 tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp mặt động viên 50 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu trên cả nước năm 2019; tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tổ chức gặp mặt các đại biểu Quốc hội (QH) là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam với sự tham dự của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo một số Ban của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; lần đầu tiên trên Kênh VOV2, Đài tiếng nói Việt Nam đã phát chương trình đặc biệt: Thắp sáng hành trình nghề nghiệp tôn vinh tấm gương  những thầy, cô gắn bó với giáo dục nghề nghiệp đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giúp học trò của mình làm chủ được tay nghề, làm chủ được kỹ năng.


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp mặt động viên 50 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu trên cả nước năm 2019

Tại Diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam được tổ chức vào ngày 16/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã  trao tặng Huân Chương Lao động hạng Nhì cho em Trương Thế Diệu thí sinh duy nhất Đoàn Việt Nam đạt Huy chương Bạc nghề Phay CNC tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45; trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Kỳ thi tay nghề thế giới và Asean. Tại Diễn đàn quốc gia vừa qua, Tổng cục đã ký hợp tác với gần 30 doanh nghiệp trong đó có nhiều tập đoàn lớn như: Tập đoàn Vingroup, VietJet Air, Trung Nguyên,.. tại các trường đều dành khu vực triển lãm hoạt động hợp tác với doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp ngày càng tham gia sâu hơn vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đóng góp quan trọng vào đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng tay nghề cho lao động Việt Nam. Để ghi nhận sự đóng góp đó của doanh nghiệp, tại Diễn đàn quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã trao bằng khen cho một số doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn DENSO Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn SAMSUNG Electronic Việt Nam, Tổng công ty May 10 thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn ô tô Trường Hải.

7. Thu hút nhiều doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
         Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được coi là một trong các giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2019, hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, giáo dục nghề nghiệp thu hút được nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo dựng việc làm bền vững và nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong nhiều năm qua, một số doanh nghiệp lớn như  DENSO Việt Nam, SAMSUNG Electronic Việt Nam đã luôn đồng hành hỗ trợ trong công tác thi tay nghề ASEAN, thi tay nghề thế giới với kết quả thi tay nghề ngày càng tiến bộ, thể hiện trình độ tay nghề của lao động Việt Nam không thua kém trình độ của khu vực và thế giới nếu được quan tâm, đầu tư và tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, từ khâu phát triển chương trình đào tạo, tham gia đào tạo, thi, kiểm tra đánh giá người học, tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Mường Thanh, VinGroup, FLC tạo dựng các cơ sở đào tạo cho riêng mình, chủ động nhân lực cho thấy doanh nghiệp ngày càng chủ động tham gia đào tạo để chủ động nguồn nhân lực lâu dài cho doanh nghiệp.


Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký kết hợp tác với Viet Jet Air về đào tạo nguồn nhân lực tại Diễn đàn quốc gia
 
         Bên cạnh nhiều hoạt động ký kết hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn có nhu cầu cao về nhân lực, cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được cụ thể hóa và hoàn thiện. Việc Quốc hội thông qua Bộ Luật lao động sửa đổi với nhiều quy định mới, cụ thể giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn, rộng hơn trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như: Doanh nghiệp được phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp,… Cũng trong năm 2019, một Nghị định riêng về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai xây dựng.

          Chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được nâng cao qua các chương trình đào tạo, tập huấn về chuyên môn, thực hành nghề, sự phạm nghề. Đặc biệt có 264 nhà giáo của 22 nghề tại 45 trường đã được cử sang Cộng hòa Liên Bang Đức, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề và đạt chuẩn để dạy các chương trình chuyển giao từ Đức. Cùng với các giáo viên được đào tạo tại Malaysia, Úc, đây là lực lượng giáo viên đầu đàn đạt chuẩn quốc tế, sẽ là những hạt nhân lan tỏa phương pháp sư phạm đào tạo chuẩn quốc tế cho các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó là sự ban hành Thông tư số
12/2019/TT-BLĐTBXH ngày 12/08/2019 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về việc Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp. Lần đầu tiên, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được xếp lương theo chức danh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, điều này góp phần giải quyết bài toán về chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, giúp nhà giáo ổn định cuộc sống an tâm công hiến cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

8. Tổ chức thành công Hội thi thiết bị tự làm, Hội diễn văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc; Hoạt động khởi nghiệp được triển khai tích cực.
        Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ 6, năm 2019  diễn ra từ ngày 8 đến ngày 12/9/2019 tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Có 58 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia Hội thi, với 396 thiết bị của 216 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hội thi đã lựa chọn 30 thiết bị đạt giải Nhất (thuộc 4 nhóm ngành nghề: công nghệ thông tin; kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông; công nghệ kỹ thuật cơ khí; nghề tổng hợp), 45 thiết bị đạt giải Nhì, 75 thiết bị đạt giải Ba. Về giải toàn đoàn: Đoàn Hà Nội đạt giải nhất; các Đoàn: Tp Hồ Chí Minh, Vĩnh phúc đạt giải Nhì; các Đoàn: Hải Phòng; Nghệ An; Bắc Ninh; Đồng Nai; Cần Thơ; Thanh Hóa. Điểm nổi bật là nhiều thiết bị tham dự Hội thi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một "sản phẩm" theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà và bán ra thị trường.


Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH, Chủ tịch Hiệp Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hằng và Tổng Cục trưởng Nguyễn  Hồng Minh tặng hoa và Bằng khen cho các cá nhân đạt giải Nhất tại Hội thi
 
Hội diễn văn nghệ các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2019 được tổ chức chuyên nghiệp, chi làm văn nghệ chuyên và không chuyên với gần 140 tiết mục đặc sắc đã cống hiến cho người xem nhiều tiết mục công phu, sáng tạo thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người, lãnh tụ, tình yêu nghề, yêu thầy cô, bạn bè. Hà Nội đã xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn. Hà Tĩnh và Thái Nguyên cùng nhau giành giải Nhì. 5 giải Ba  đã được trao cho các đoàn Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nghệ An, Quảng Ninh. Điểm nổi bật của Hội diễn là ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai và tổ chức và các tiết mục tham gia Hội thi được Live Stream và được bình chọn trực tuyến trên mạng xã hội.

          Trong năm 2019, hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp được triển khai tích cực dưới nhiều hình thức đa dạng và thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, cụ thể: ban hành Quyết định  số 929/QĐ-LĐTBXH ngày 28/6/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Quyết định số 959/QĐ-LĐTBXH ngày 5/7/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” năm 2019. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký kết hợp tác với nhiều Hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Hiệp hội Phần mềm và phát triển công nghệ thông tin (VINASA); Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Trung Nguyên Legend, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Cổ phần Eurowindow, Công ty Cổ phần Mắt bão BPO, Alphanam Group, TTC Group, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Công ty cổ phần đầu tư BVG tích cực triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giao lưu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp với các diễn giả, doanh nghiệp và tặng sách khởi nghiệp cho hơn 1000 học sinh, sinh viên tham gia tại Hà Nội và Đồng Nai được tổ chức; Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc.

9. Triển khai thành công chương trình đào tạo chất lượng cao với 12 chương trình đào tạo chuyển giao từ Úc.

          Tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới là một trong nhiều nội dung góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Chương trình đào tạo thí điểm theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc là chương trình chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Sinh viên sau tốt nghiệp được cấp 2 bằng của Việt Nam và của Úc và có đủ năng lực làm việc tại các doanh nghiệp FDI, hoặc tham gia vào các chương trình xuất khẩu lao động kỹ sư hoặc liên thông lên đại học ở nước ngoài. Để triển khai Kế hoạch tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm quốc tế chuyển giao từ Úc theo Quyết định số 1809/QĐ-BLĐTBXH ngày 09/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 năm (2015 đến 2018), công tác chuẩn bị đã được hoàn tất để đảm bảo công tác đào tạo chất lượng cao 12 nghề chuyển giao từ Úc được thành công với  318 giáo viên giảng dạy chuyên môn 12 nghề của 25 trường tại 41 lớp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại Úc về chuyên môn, nghiệp vụ đạt tiêu chuẩn của Úc. Công tác kiểm định chất lượng được Học viện Chisholm tổ chức thực hiện 2 đợt kiểm định điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn của Học viện Chisholm và Chính phủ Úc. Tổng số sinh viên theo học tại chương trình đào tạo thí điểm là 731 sinh viên. Số sinh viên đạt chứng chỉ B1 là 707/731 đã hoàn thành kết thúc trong tháng 12/2019. Dự kiến công tác tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng giai đoạn tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 01/2020.

10. Hợp tác quốc tế trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp đi vào chiều sâu với nhiều đối tác uy tín.

          Trong năm 2019, tăng cường hợp tác quốc tế cũng là một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục nghề nghiệp. Việc tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia có hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiên tiến, nghiên cứu vận dụng có chọn lọc các mô hình đào tạo nghề từ các quốc gia đó vào điều kiện thực tế tại Việt Nam là hướng đi đúng đắn của ngành giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Trên cơ sở tranh thủ sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các nước, thời gian qua nhiều chương trình, dự án, mô hình thí điểm về giáo dục nghề nghiệp về cơ bản đã đạt hiệu quả, có thể nhân rộng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.



Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Chủ tịch KOSEN nhân chuyến thăm Nhật Bản

Hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp năm 2019 được thể hiện qua nhiều nội dung hợp tác quan trọng với các đối tác quốc tế có uy tín: Trong 03 ngày từ 23 đến 26/9/2019, Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với Bộ Lao động và Việc làm Cộng hòa Liên bang Đức. Trong chuyến thăm, phía Việt Nam đề nghị Chính phủ Đức hỗ trợ và chuyển giao giáo trình dạy nghề và công nhận chứng chỉ để tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; ngày 01/7/2019, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản, trước sự chứng kiến của Chính phủ hai nước, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và tổ chức KOSEN ký thỏa thuận hợp tác tiếp tục triển khai các hoạt động tiến tới triển khai mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam; Tiếp tục triển khai các nội dung trong thỏa thuận hợp tác MOU giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Australia về giáo dục nghề nghiệp, năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Úc, lần đầu tiên tại Việt Nam thành lập thí điểm Hội đồng kỹ năng nghề đối với hai lĩnh vực: Nhà hàng –khách sạn; nông nghiệp; Dự án “Chương trình Kỹ năng và Kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đầu tư và nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo cho 16 trường, gồm 14 trường cao đẳng chất lượng cao và 02 trường đại học sư phạm kỹ thuật thông qua đầu tư đồng bộ trang thiết bị đào tạo, tăng cường sự tham gia các đối tượng yếu thế và cộng đồng vào giáo dục nghề nghiệp; Từ 26-28/3/2019, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam – Lào lần thứ 6 tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn, hai bên đã nhất trí tăng cường mối quan hệ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực. 

Nguồn: Tổng cục GDNN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản

49/2018/NĐ-CP

Nghị định quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Lượt xem:3322 | lượt tải:953

12/2017/TT-BLĐTBXH

Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH

Lượt xem:3021 | lượt tải:0

TTTS20172

Thông tin tuyển sinh các trường năm 2017 cập nhật đến ngày 17/04/2017

Lượt xem:2876 | lượt tải:0

365/QĐ-TCĐN

Quyết định số 365/QĐ-TCĐN ngày 20/9/2016

Lượt xem:2699 | lượt tải:3766

761/QĐ-TTg

Quyết định số 761/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ

Lượt xem:3904 | lượt tải:2873
Liên kết
© Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh
- Địa chỉ: 412B Trần Phú - Thành phố Hà Tĩnh - Hà Tĩnh
- Điện thoại: 0239 3681690 --- Fax: 0239 3890023
- Email: cdncnhatinh@gmail.com 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây